Đúng 7 giờ sáng tôi có mặt tại quán Bún Cù Kỳ 2 Mẹ tại 105 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội theo lời người bạn. Ấn tượng đầu tiên của tôi là hương thơm ngọt đậm đà, tươi mới của hải sản tỏa ra đã làm tôi bừng tỉnh, có lẽ quá lâu rồi tôi chưa cảm nhận được một hương vị đặc biệt như thế. Bước vào bên trong là không gian sạch sẽ, thoáng mát, sạch từ những chi tiết nhỏ như ống đũa, rổ đựng rau sống cho đến mặt bàn, quầy chế biến. Vừa nhìn thấy tôi, chị chủ quán đon đả, tươi vui nhiệt tình chào đón tôi.
Dù còn khá sớm nhưng quán đã chật kín khách, ai ai cũng vui vẻ rôm rả thưởng thức món bún Cù Kỳ thơm ngon. Tôi đợi một chút thì món bún được đưa lên. Hương thơm thật khác biệt, không thể lẫn đi đâu được. Mùi vị hòa quyện của các loại hải sản tươi ngon, màu sắc xanh của hành răm, đỏ của cà chua, vàng của gạch cù kỳ bắt mắt càng làm cho tôi thêm hào hứng.
Tôi thưởng thức nước dùng trước thì… Ôi! Cái cảm giác thật mới lạ và rất vừa ý. Nước dùng được làm từ hải sản nên mang nét đặc biệt riêng, không béo ngậy như nước dùng ninh từ xương lợn hay xương gà. Hương vị này càng làm tôn lên cái chất của hải sản. Tiếp đến tôi thưởng thức càng cù kỳ, càng cù kỳ đã được hấp chín, béo mập, thịt rất ngọt và chắc. Khi bóc, chị chủ quán để lại chút vỏ ở đầu mỗi gọng càng để nhìn vừa đẹp lại tiện cho những khách muốn cầm từng chiếc càng nhỏ nhỏ xinh xinh để ăn. Tôm và bề bề được bóc nguyên con, mỗi miếng đều cảm nhận được vị tươi ngọt của hải sản. Phần gạch vàng nâu mềm mịn béo ngậy tan trong miệng.
Tôi ăn một mạch hết nhẵn bát bún. Ăn xong tôi còn được tặng thêm 1 chai nước đậu xanh lá nếp, vị ngọt vừa thơm mùi lá nếp cực thanh mát và bổ dưỡng.
Hương vị của món bún cù kỳ vẫn còn là ẩn số trong tôi, điều đó càng thôi thúc tôi tìm hiểu về bí mật của món bún đặc sản Quảng Ninh này. Chờ lúc quán vãn khách một chút tôi tìm gặp chị chủ quán để hỏi chị về sự đặc biệt của món bún này. Chị vui vẻ đáp lời: “Con Cù Kỳ nhìn như con cua nhưng lớp vỏ có màu nâu đỏ, thịt cù kỳ chắc và ngọt. Cù kỳ có đôi càng khá to, nhiều thịt nhưng phần thân cù kỳ lại nhỏ và nhiều vỏ dăm nên khó gỡ thịt.Cù kỳ có nhiều cỡ nhưng để làm bún cù kỳ, chị thường chọn loại cù kỳ nhỡ, vừa để đảm bảo giá thành của bát bún, vừa để được lợi thịt khi gỡ càng, bởi càng cù kỳ to thường nặng vỏ.”
Chị chủ quán khá khắt khe trong việc chọn nguyên liệu. Chị cho biết, bát bún ở quán Bún Cù Kỳ 2 Mẹ 100% được chế biến từ hải sản, kể cả nước dùng. Và để có được bát bún ngon, đậm đà khiến thực khách nhớ mãi thì tất cả các loại hải sản đều phải tươi sống. Tôm và bề bề được hấp chín, gỡ lấy thịt. Đặc biệt, khi gỡ phải gỡ nguyên con thì khi bày bát bún mới đẹp. Tôm sau đó sẽ được xào sơ với chút dầu và gia vị. Tôi mang thắc mắc sao không xào trước tất cả nguyên liệu cho ngấm gia vị thì chị cho biết: “Nếu xào tất cả nguyên liệu sẽ khiến cho bát bún bị đẫm dầu. Hơn nữa lúc đó mùi gia vị sẽ lấn át mùi vị thật của hải sản”.